Câu chuyện từ những con số
Sau 28 năm tham gia xuất khẩu (1988-2016), ngành điều Việt Nam không ngừng phát triển lớn mạnh, chiếm lĩnh thị trường thế giới. Đặc biệt, từ năm 2006 đến nay Việt Nam luôn giữ vững vị thế là quốc gia xuất khẩu nhân điều lớn nhất thế giới.
Theo báo cáo của Hiệp hội điều Việt Nam (VINACAS), năm 2016 các doanh nghiệp ngành điều Việt Nam chế biến xuất khẩu được 350.000 tấn điều nhân các loại, với kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD; trong đó xuất khẩu điều nhân đạt khoảng 2,85 tỷ USD, còn lại là các sản phẩm phụ của điều. Hiện đã có đến 80 nước nhập khẩu hạt điều sơ chế của Việt Nam, nhiều nhất là Mỹ với 30%, một số nước châu Âu 25%, Trung Quốc 18% thị phần..
Năm 2016 cũng chính là năm thứ 11 liên tiếp ngành điều Việt Nam giữ vị trí hàng đầu thế giới về xuất khẩu điều nhân, tiếp tục duy trì thị phần trên 50% tổng giá trị thương mại nhân điều toàn cầu (khoảng 5,5 tỷ USD). Dự báo năm 2017, ngành Điều Việt Nam sẽ xuất khẩu sẽ đạt 3,3 tỷ USD, với sản lượng 360.000 tấn điều nhân các loại, để lập kỉ lục 12 năm liền đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều.
Nguồn cung điều vẫn là một thách thức đối với ngành điều Việt Nam
Việt Nam mặc dù là quốc gia có sản lượng xuất khẩu điều lớn nhất thế giới, nguồn cung điều thô vẫn là một thách thức rất lớn đối với việc phát triển ngành mũi nhọn này ở nước ta. Tỷ lệ nhập khẩu điều thô trên tổng sản lượng điều thô chế biến ngày càng chiếm tỷ trọng lớn ở mức 65% - 70% và có xu hướng tăng trong bối cảnh diện tích gieo trồng của cây điều giảm liên tục từ năm 2007 với tốc độ hơn 4%/năm và năng suất không có sự cải thiện đáng kể.
Nguồn: Báo cáo thị trường điều quý II/2015 của International Trade Center
Theo số liệu Tổng cục Thống kê, tính đến năm 2016, năng suất điều thô ước tính của toàn quốc chỉ đạt khoảng hơn 1 tấn/ha, bằng với năng suất năm 2007.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này một phần đến từ nguồn lợi kinh tế tương đối thấp của nghề trồng điều. Thu nhập của nông dân sẽ được cải thiện khi họ chuyển sang trồng các loại cây công nghiệp lâu năm khác như cao su, hồ tiêu. Cũng theo tổng cục thống kê, trong khi diện tích gieo trồng cây điều giảm thì diện tích gieo trồng cao su và hồ tiêu có xu hướng tăng và tăng liên tục trong 10 năm trở lại đây. Đặc biệt, diện tích trồng cao su tăng mạnh cùng thời điểm khi diện tích gieo trồng điều có xu hướng giảm sút vào năm 2007.
Sự phụ thuộc vào nguồn cung điều thô nhập khẩu từ các nước châu Phi khiến các doanh nghiệp điều Việt Nam mất chủ động trong giá thành sản xuất, lợi nhuận có khả năng giảm sút do giá điều nhân thế giới nằm trong sự kiểm soát mạnh của các nhà phân phối tại các quốc gia tiêu thụ như Mỹ hay các nước châu Âu. Do vậy, lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành điều dễ bị ăn mòn từ việc tăng giá nguyên liệu đầu vào.
Nguồn cung điều nguyên liệu là thách thức, nhưng cũng là cơ hội nếu Việt Nam xây dựng được nguồn nguyên liệu điều bền vững, đáp ứng được nhiều hơn nhu cầu điều thô trong nước.
Cơ hội trở thành “cashew hub” thế giới
Giới chuyên gia trong ngành cho rằng, thị trường điều thế giới có tiềm năng phát triển tốt, đặc biệt tại các nước phát triển. Hạt điều hiện đang được đánh giá là loại hạt được ưa chuộng tại các quốc gia có thu nhập cao, và có cơ hội sánh ngang với hạt hạnh nhân trở thành hạt có lượng tiêu thụ lớn nhất thế giới.
Số liệu nghiên cứu cho thấy, trong nhóm bốn loại hạt có khối lượng tiêu thụ năm 2015 lớn nhất thế giới thì hạt hạnh nhân có lượng tiêu thụ lớn nhất, hơn 1 triệu tấn. Hạt điều lượng tiêu thụ thấp hơn so với hạnh nhân, nhưng đạt được tốc độ tăng trưởng bình quân năm 2011/15 tốt hơn và tương đương hạt óc chó ở mức 6%.
Điều này cho thấy, trong bối cảnh hạt điều và hạt hạnh nhân là hai loại hạt được ưa chuộng nhất tại các quốc gia có thu nhập cao, và trong khi hạt hạnh nhân có dấu hiệu tăng trưởng chững lại, thì đây là cơ hội cho hạt điều tăng trưởng và chiếm lĩnh thị trường tại các quốc gia này.
Để nắm được cơ hội về thị trường tăng trưởng tích cực, phát triển nguồn nguyên liệu chuyên canh để làm đầu vào là điều kiện quan trọng cho sự phát triển bền vững của ngành điều Việt Nam. Với vùng nguyên liệu điều ổn định, đảm bảo lợi ích từ người nông dân đến doanh nghiệp, Việt Nam có cơ hội giảm sự phụ thuộc vào nguồn điều thô nhập khẩu và tiến tới có thể tham gia điều phối giá điều thế giới nếu khi Việt Nam có nhiều doanh nghiệp tham gia sâu hơn từ vùng nguyên lieu chuyên canh, tới chuỗi giá trị sâu trong phần chế biến sản phẩm từ hạt điều. Sở hữu diện tích trồng điều gần 300 ngàn ha và nếu các giống điều có năng suất lên tới 2,5 – 3 tấn/ha, cùng với sự phát triển tích cực của thị trường điều thế giới, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội phát triển ngành điều nước nhà một cách bền vững, trở thành thủ phủ của cây điều thế giới.
Hiện dù là nước xuất khẩu điều lớn nhất thế giới Việt Nam chỉ tham gia vào khâu chế biến sơ, tương đương 18% chuỗi giá trị điều. Phần lợi nhuận lớn nhất vẫn nằm ở khâu chế biến rang muối và phân phối với tổng giá trị gần 60%. Điểm nhấn này vừa là thách thức nhưng nhìn nhận khách quan cũng là cơ hội cho thấy còn rất nhiều dư địa để doanh nghiệp trong ngành điều phát triển.
“Để tiếp tục giữ vững vị trí số 1 và nâng cao hơn nữa giá trị của hạt điều Việt Nam, các doanh nghiệp trong ngành sẽ cần phải đi sâu hơn vào các sản phẩm chế biến sâu. Ngoài ra, ổn định phát triển nguồn cung nội địa, điều Việt Nam sẽ bớt phụ thuộc vào nguồn cung điều từ bên ngoài, và sẽ có quyền lực hơn đối với giá cả hạt điều trên thị trường”, một chuyên gia nhìn nhận.
Hà Anh